Saturday 19 November 2011

Tôi đi tìm tôi


Tôi đi tìm tôi – tìm xem tôi là ai, tôi muốn gì – tôi có khả năng nào và tôi sẽ thực hiện cuộc đời tôi như thế nào? Hiểu được bản thân mình là điều khó, càng khó hơn khi tôi lớn lên trong một nền văn hóa mà mọi sự dường như đã được thiết định sẵn bởi những ý thức hệ. Người ta đã sắp đặt sẵn và dạy cho tôi tất cả những tiêu chuẩn của sự thành công trong cuộc sống, những thước tấc của một con người lý tưởng, khuôn mẩu của một người Kitô hữu đứng đắn,…
Ngoài ra, tất cả những thái cử trong cuộc sống hằng ngày như ăn mặc, đi đứng, nói năng đều đã được nhồi sọ cho tôi và người ta gọi đó là nhân bản. Tôi tự hỏi nếu nhân bản là thế và chỉ có thế thì làm người quá dễ - dễ như làm một con vẹt hoặc một con khỉ trong rạp xiếc. Không quá khó để thuộc lòng và thực hiện những qui tắc xã giao mà người ta gọi là nhân bản đó. Nhưng tôi muốn đi tìm con người của tôi – lý do hiện hữu của tôi và như đã nói ở trên, cái dự phóng cho cuộc đời tôi.
Thì tôi đây chứ ai, tôi đang ngồi suy tư, đặc biệt là đang cố gắng để phản tĩnh đây chứ ai. Tuy nhiên, có phải thực sự đây là tôi không hay có ai đó đang suy nghĩ trong tôi, đang cầm tay tôi để viết? Thật là khó để biết đây là văn của tôi hay tôi đang đạo văn một cách vô thức, cũng không dễ để biết rằng đây thực sự là cảm xúc riêng tôi hay chỉ là vay mượn. Xin đừng lầm tưởng là tôi đang ghi lại cảm xúc của người khác mà tôi đã đọc được đâu đó. Có lẽ không! Nhưng tôi vẫn nghi ngờ đây không phải là cảm xúc của tôi nhưng do vay mượn hay bị nhồi sọ. Con người thân xác được thành hình bởi những dưỡng chất và những vận động cần thiết, còn con người tinh thần và tình cảm được hình thành nhờ những học thức và kinh nghiệm (và đặc biệt là kinh nghiệm). Những phản ứng của tôi trước những tình huống, sự kiện là kết quả của những kinh nghiệm trong cuộc sống của tôi cộng với những lời bình phẩm của người khác trước những sự kiện tôi chứng kiến. Khốn nỗi những lời bình phẩm của người khác quá nhiều và chính chúng lại bị điều kiện hóa bởi một nếp sống, nếp nghĩ của một xã hội. Những suy tư của tôi trước những sự kiện, vấn đề hay chính bản thân tôi như tôi đang làm chịu ảnh hưởng nhiều bởi những gì tôi đã học, đã được đào tạo. Như vậy chúng là của tôi hay kết quả của một hệ thống giáo dục đào tạo mà tôi đã được thụ huấn?
Tôi trở lại với những trăn trở hiện tại của tôi. Hiện nay tôi đang là ai, ở đâu trong những hoạt động thường ngày của tôi?

Lâu nay có thực sự tôi đã cầu nguyện, đọc kinh, dâng lễ? Tôi là ai trong những lời kinh vang vọng sớm chiều? Tôi ở đâu khi khi chủ tế nói “Chúa ở cùng anh chị em”? Tôi có vai trò gì khi lời tuyên xưng đức tin được vang lên trong kinh Tin Kinh? Tôi làm gì khi Chúa ngõ lời với tôi qua bài Tin Mừng? Tôi có thực sự hiện diện trong tất cả những công thức tuyên tín và trong những lời kinh rất đẹp tôi tụng hằng ngày? Tôi nghi ngờ sự hiện diện này vì hình như nó không ăn khớp và nối kết được với cuộc sống của tôi! Có thể nói được như Karl Rahner “Nếu Mầu Nhiệm Ba Ngôi có bị hủy đi thì đời sống Giáo hội cũng không thay đổi gì” vì chưng, nếu tôi thôi không đọc những lời tuyên tín kia, thôi không tụng kinh nữa thì cuộc sống tôi cũng vô sự, tâm hồn tôi vẫn y như cũ. Có chăng tôi sẽ chỉ thấy nhớ một chút, cảm giác khó chịu vài hôm, rồi sau đó mọi chuyện đâu cũng vào đấy. Khi tôi ngưng “cầu nguyện” kiểu đó, đời sống tôi vẫn thế, những phản ứng của tôi trước những tình huống, sự kiện cũng không thay đổi; và khi tôi quay lại thói quen cũ, mọi chuyện cũng chỉ có thế: một ngày như mọi ngày. Như thế thì sao? Tôi ở đâu khi những lời kinh đó vang lên? Lời cầu nguyện chưa chạm đến cuộc sống tôi hay tôi chưa chạm được vào lời cầu nguyện đó, hay nói khác đi tôi chưa cầu nguyện! Thiết nghĩ khi những lời kinh tiếng hát vang lên, sự góp phần của tôi là làm cho nó phát ra tiếng, nghĩa là tôi chỉ mới tham gia được một chút sức lực thể lý làm cho một số âm thanh vang lên, và chỉ có thế.
Đến đây tôi nghĩ đến một cái tôi siêu việt, vượt lên trên tất cả những gì là kết quả của một quá trình sở đắc từ cuộc sống đó. Cái tôi siêu việt đó mới chính là tôi, là ơn gọi của tôi, là điều Thượng Đế muốn tôi là. Chỉ cái tôi siêu việt đó mới giúp tôi dám đứng ở thế đối trọng với Thượng Đế để đối thoại tay đôi với ngài, chất vấn Ngài và sẵn sàng để Ngài chất vấn. Bấy giờ Ngài mới hỏi “Anh đi tìm ai?” Tôi đáp “Ngài ở đâu?” Tôi đến ở với Ngài và hỏi Ngài “lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa trả lời “hãy yêu như Thầy đã yêu”. Và như thế, câu hỏi về dự phóng cuộc đời tôi đã có lời giải đáp. Tôi phải ra đi và thực hiện cuộc đời tôi như một lời đáp trả tình yêu. Đến đây có lẽ tôi đã tìm được ý nghĩa của việc cầu nguyện.

No comments:

Post a Comment